Khái niệm về cách sống

3. Nội dung giảng dạy

5.5.1 Khái niệm về cách sống

Cách sống được xác định như sau:

“Cách sống là toàn bộ những đặc điểm cơ bản, đặc trưng cho hoạt động sinh hoạt của từng cá nhân, từng nhóm xã hội, từng khối xã hội và từng tầng lớp, từng dân tộc – trong một số điều kiện xã hội cụ thể, nhằm thể hiện họ về mọi mặt, với tư cách là các thực thể xã hội”.

Khái niệm về cách sống cũng được sử dụng để chỉ các mô hình hành vi, cách cư xử của từng cá nhân, từng nhóm xã hội trong các hoàn cảnh, điều kiện sống, tình huống cụ thể. Vì vậy, cách sống bắt nguồn từ văn hóa.

Cách sống liên quan chặt chẽ đến hoạt động sinh hoạt hàng ngày của con người, tổng hợp trong đó là các mối quan hệ kinh tế, văn hóa, tư tưởng, đạo đức… Nội dung thực tế của cách sống là điều mà con người nhìn thấy ý nghĩa tồn tại của mình. Cách sống phụ thuộc vào thời đại mà con người đang sống, với các điều kiện vật chất, kinh tế, các mối quan hệ xã hội, các thói quen, tập quán, quy cách của thời đại đó.

Cách sống vừa mang tính chất kinh tế (mức sống); vừa có tính chất xã hội – tâm lý (phong cách sống, tập tục sống):

– Mức sống: là khái niệm thể hiện về mặt số lượng và chất lượng cuộc sống của từng cá nhân. Nó phản ánh việc sử dụng của tài sản vật chất, tinh thần và kết quả của sự sử dụng đó.

Mức sống có tính chất động, nó thay đổi theo những điều kiện lịch sử cụ thể. Hoặc do sự cố gắng của con người hay do tình huống của xã hội gây ra (khủng hoảng kinh tế…). Chính vì vậy, một người có mức sống cao có thể trở thành một người có mức sống thấp và ngược lại.

– Tập tục sống (phong cách sống): là các phương thức hành xử, thói quen, bị ảnh hưởng bởi những quan điểm, tín ngưỡng, suy nghĩ, phong tục tập quán, hành vi đạo đức cụ thể. Như vậy, nói một cách ngắn gọn, tập tục sống là các hành vi, cử chỉ của từng cá nhân, được thể hiện hàng ngày (thường xuyên lặp đi lặp lại) và trở thành thói quen. Ví dụ: Tỉnh giấc đúng giờ, tập thể dục, uống trà, cà phê, ăn mặc gọn gàng… nghiện thuốc lá, đi làm không đúng giờ, ngồi họp hay nói riêng… tập tục cưới hỏi, duy trì gia phong, thờ cúng ông bà, giúp đỡ người khó khăn, lịch sự, lễ phép… Lễ hội…

Cách sống đặc trưng cho cuộc sống vật chất và cuộc sống tinh thần của con người nhưng trong nhiều trường hợp, không phải cuộc sống vật chất như thế nào thì cách sống thích nghi như vậy. Ví dụ, có người có cuộc sống giàu có, sung túc nhưng có thói quen keo kiệt, bủn xỉn; ngược lại, có người nghèo khó nhưng lại có thói quen tiêu xài hoang phí…

Related Posts